Nguyệt San Số 3


Tân Châu Quê Lụa
Tác giả: Trường Thi
Thể loại: Quê hương
Tân Châu là một quận cù lao của tỉnh Châu Đốc, nằm đầu nguồn giữa hai nhánh sông Tiền Giang và Hậu Giang, giới hạn bởi nhánh sông Vàm Nao, chia đôi bờ, bên kia là quận Chợ Mới với xã Mỹ Hội Đông bốn mùa cây xanh bóng mát. Là quận có dân số đứng thứ hai của tỉnh Châu Đốc, dân cư khá đông đúc, quận lỵ Tân Châu là một trong những quận biên giới giàu có đứng nhứt nhì thời Đệ Nhị Cộng Hòa. Toàn quận có 12 xã. Hầu hết dân chúng là tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Trước năm 1975, quận Tân Châu có số lượng tín đồ cao nhứt tỉnh, tỷ lệ lên đến 98%. Các xã Hòa Hảo, Hưng Nhơn, Phú An tỷ lệ tín đồ gần như 100%. Thánh Địa Hòa Hảo là nơi đặt trụ sở Trung ương Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo và cũng chính nơi đây, hằng năm vào ngày Đại Lễ 18/5, ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo, có hàng triệu tín đồ khắp nơi từ thủ đô Saigon và các tỉnh lân cận cùng hầu hết những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long tụ hội về đây với chiếc nôi tôn giáo bất khuất là quận có chiều dài gần 20 km biên giới Việt - Campuchia, các xã Vĩnh Xương, Tân An với những địa danh Chùa Thầy Bảy, Giồng Trà Dên, chợ Lê Hồng Tươi đã một thời đi vào lịch sử. Với tổng diện tích vào khoảng 520 km2, Tân Châu đã góp phần không nhỏ trong công cuộc đấu tranh bảo vệ sự sống còn của toàn thể tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Tây.
        Rời tỉnh lỵ Châu Đốc, qua phà Châu Giang, hình ảnh của những dãy nhà ngói ẩn hiện dưới tàng cây xanh rì, những ngôi nhà sàn cao hơn đầu người là lãnh thổ của dân tộc Chàm được xây dựng theo mô hình đạo Hồi. Nơi đây là điểm tập trung của hàng trăm gia đình người Chàm thuộc xã Châu Giang, quận Châu Phú. Rời xã Châu Giang, trên con đường tráng nhựa với những hàng cây che rợp bóng mát, xã Châu Phong là ranh giới cuối cùng của quận Châu Phú. Suốt đoạn đường 17 km từ phà Châu Giang, sau khi bỏ lại dằng sau hai xã Châu Giang và Châu Phong của Châu Phú, chúng ta đến tuyến đầu của quận Tân Châu là xã Phú Vĩnh nằm về phía hữu ngạn kinh Vĩnh An Hà, một con kinh huyết mạch nối liền giữa hai nhánh sông Hậu và sông Tiền. Ngoài việc giúp đỡ lưu thông cho cư dân trong vùng, kinh Vĩnh An Hà còn đóng vai trò rất quan trọng trong việc dẫn thủy nhập điền và là nhựa sống cho hằng trăm Héc ta dâu trong kỹ nghệ "tằm tơ" vào những thập niên 1930 - 1950 khi kỹ nghệ ngành dệt còn phôi thai. Bên tả ngạn hai xã Tân An và Vĩnh Xương, một trong những xã có diện tích trồng dâu nhiều nhứt thời bấy giờ, ăn sâu tận biên giới Miên - Việt. Quận lỵ Tân Châu nằm ngay trên bờ sông Tiền là trung tâm mua bán khá sầm uất. Tất cả các hàng hóa từ bên kia biên giới tập trung về đây, có thể nơi đây là trung tâm phân phối hàng ngoại nhập cho cả nước. Xã Long Phú là một trong những xã phồn thịnh và mua bán tấp nập nhứt của quận. Rời quận Tân Châu theo con đường trải nhựa, suốt đoạn đường trên 30 km, chúng ta lần lượt đi qua các xã Long Sơn, Phú Lâm và Phú An nằm phía hữu ngạn sông Tiền, từng dãy nhà san sát. Rải rác trên đoạn đường này, những ngôi Độc giảng đường biểu tượng cho nền cực thịnh của Đạo Phật Giáo Hòa Hảo trước năm 1975. Những bàn Thông Thiên ngày đêm khói hương bất tuyệt như những tấm lòng bền bĩ của người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo với phương châm "giữ Đạo chờ Thầy" và giữ vẹn Tứ Ân trong cuộc sống hài hòa sung mãn.
         Chùa Giồng Thành (Long Hương tự) thuộc xã Long Sơn, một trong những di tích có tầm vóc. Chùa được khởi công xây dựng vào năm 1875 do Hòa Thượng Trần Minh Lý trông coi. Sở dĩ gọi là Giồng Thành vì chùa này được xây trên nền hào của một cái thành trước đây của nhà Nguyễn. Từ năm 1875 đến nay, chùa đã trải qua bốn lần trùng tu. Năm 1970 là lần trùng tu lớn nhứt, vị trụ trì chùa thời  bấy giờ là Hòa Thượng Chân Như đã cho sửa lại mặt trước của chùa theo kiến thức Ấn Độ. Xung quanh chùa cây cối xanh tốt, càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm và cổ kính.
Chùa Giồng Thành được cất theo kiểu song hỷ có ba gian: chánh điện, nhà giảng và hậu tổ. Giữa chánh điện và hậu tổ có hai nhà song hành. Chùa lợp ngói, trên cột chánh điện có vẽ rồng, trên nóc chùa có tháp hai tầng hình phễu. Gian chánh điện thờ Phật Thích Ca, Ngọc Hoàng và hai ông Nam Tào, Bắc Đẩu. Nhà giảng thờ Phật Mẫu. Gian hậu tổ thờ các hòa thượng đã trụ trì và viên tịch ở đây như Hòa Thượng Trần Minh Lý, Chôn Nhơ và Nguyễn Văn Điền.
           Hằng năm vào dịp rằm tháng Giêng, tháng Bảy và tháng Mười có nhiều lượt người đến tham quan và lễ Phật. Cũng tại Long Sơn, vào đầu thập niên 1930, một đệ tử Bửu Sơn Kỳ Hương đã khởi nghĩa chống thực dân phong kiến và tay sai. Cuộc khởi nghĩa của ông Đạo Tưởng tuy không tầm cỡ và qui mô như Đức Cố Quản Trần Văn Thành hay Đức Bổn Sư Ngô Lợi nhưng đã ảnh hưởng sâu đậm trong quần chúng, đã khơi dậy lòng trung quân ái quốc của người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương mà Đức Thầy Tây An đã truyền dạy.
Ông tên thật là Lâm văn Quốc (mãi cho đến bây giờ chưa có văn kiện nào nói về tuổi tác của ông), người đời quen miệng gọi là Ba Quốc. Quê ông ở Long Điền tỉnh Bạc Liêu. Từ nhỏ đã theo nghiệp võ, lớn lên ông trở thành một võ sĩ nổi tiếng khắp vùng Hậu Giang. Thân hình ông vạm vỡ, mặt vuông, mắt sáng. Sở trường của ông là dùng đôi tay có thủ bộ móng sắt bén nhọn làm vũ khí khi tấn công. Cha mẹ mất sớm, ông lưu lạc sang Campuchia, Lào và Thái Lan. Ở những nơi này, ông có dịp học thêm võ nghệ; nhờ đó càng tỏ ra tinh thông xuất chúng. Thời cuộc thay đổi, ông trở về cố quốc năm 1925 và làm quản gia cho người cậu là Nguyễn Chánh Sắt. Vào khoảng năm 1928, ông qui y theo Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và ông đã lập thảo am ở xã Long  Phú để tu học, trị bệnh và thuyết pháp. Người dân vùng lân cận đã theo ông rất đông từ Long Thuận, Long Sơn, Phú Lâm, Tân An (quận Tân Châu.) đến Thường Thới, Thường Phước (quận Hồng Ngự), số lượng tín đồ thời bấy giờ ước lượng khoảng 10,000 người. Ông thường ngồi tham thiền, trầm tư mặc tưởng, cũng như giáo dục tín đồ hướng về lý tưởng cao cả là "Giang Sơn - Tổ Quốc" nên dân chúng quanh vùng gọi ông là "Đạo Tưởng". Ông đã âm thầm liên lạc với các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ở Thất Sơn, mặt khác ngày đêm ông huấn luyện võ nghệ cho các tín đồ thuần thục, tổ chức đội ngũ để chờ thời cơ thuận tiện là sẽ khởi nghĩa cướp chánh quyền thực dân ở quận Tân Châu.
        Đầu năm 1939, nhà cầm quyền Pháp tại Tân Châu đã theo dõi và qua trung gian của tên tay sai là Hương tuần Kiểm vốn là một tín đồ của ông đã mật báo cho giặc biết về âm mưu khởi nghĩa. Lợi dụng thời cơ và muốn có một số vũ khí trước khi khởi nghĩa, ông đã chủ động đến gặp Chủ quận Tân Châu để xin cho 36 đệ tử của mình tình nguyện đi Pháp đánh Phát Xít Đức. Qua mật thám của Hương tuần Kiểm, viên Chủ quận biết được ý đồ nên đại sự bất thành.
Nhận thấy thời cơ đã đến, vả lại thực dân và tay sai theo dõi quá gắt nên vào khoảng một lễ sau, tức đêm mồng 8 tháng Giêng năm 1939, lúc 4 giờ sáng, ông đã tổ chức một đêm thuyết pháp và sau đó hô hào quần chúng đứng lên đánh đuổi thực dân và cường hào; tên tay sai Hương tuần Kiểm đã bị giết làm lễ tế cờ. Thuộc hạ của ông đã làm chủ tình hình từ kinh Vĩnh An Hà đến bờ sông chợ Tân Châu, khí thế vô cùng sôi nổi.
Tám giờ sáng, viên chủ quận Tân Châu là Nguyễn văn Lễ cùng cò Laffaut dẫn 2 tiểu đội lính mã tà với võ khí tối tân tiến thẳng về bờ kinh Vĩnh An. Mặc dù lính khởi nghĩa chỉ sử dụng vũ khí thô sơ, dao mác gậy gộc nhưng không nao núng trước kẻ thù. Viên chủ quận ra lệnh cho ông và tín đồ hạ vũ khí giải tán nhưng ông đã khẳng khái tuyên bố "Nguời Lang Sa cướp nước chúng tôi lâu rồi. Vậy người Tây nên thức thời trả lại nước cho chúng tôi tự lèo lái". Một trận kịch chiến đã diễn ra ác liệt, vũ khí của kẻ thù không làm sờn lòng những người yêu nước cao độ. Trong lúc giao tranh ông đã bị trúng đạn và ngã gục, tín đồ lớp chết, lớp bị thương, một số bị bắt đày đi Côn Đảo. Cuộc khởi nghĩa tuy mới nhen nhúm rồi bị dập tắt do vũ khí tối tân của kẻ thù nhưng tinh thần trung quân ái quốc vẫn không làm các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương (sau này là Phật Giáo Hòa Hảo) nao núng. Xác của ông đã được các tín đồ đem an táng phía sau trường trung học bán công Tân Châu.
        Hằng năm đến ngày ông hy sinh, dân quân quanh vùng (tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo sau này) nấu những món ăn đạm bạc mà thuở sinh tiền ông thường dùng như: sả, ớt, trái cây, khoai lang, tổ chức buổi lễ thành tâm để  tưởng nhớ vong linh người chiến sĩ dũng cảm đã hy sinh chống ngoại xâm cướp nước.
Nước sông Tiền xuôi dòng như vô tình đưa chúng ta đến Thánh Địa Hòa Hảo, chiếc nôi của một tôn giáo bất khuất. Xã Hòa Hảo nằm ở hữu ngạn bên bờ sông Tiền, ngày đêm soi mình bên dòng nước đẩy đưa nhưng lòng người tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo luôn tràn ngập niềm tin với vĩ nghiệp của Tổ Thầy. Chính nơi đây vào ngày 18/05 năm Kỷ Mão 1939, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã khai sáng nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo và kể từ ngày ấy nền Đạo Phật Giáo Hòa Hảo đi vào dòng sinh mệnh của đất nước và dân tộc. Trải qua lắm nỗi thăng trầm của thời cuộc, bao biển dâu của cuộc đời nhưng giáo lý "Tứ Ân" luôn là kim chỉ nam trong hành động của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. Bối cảnh lịch sử Việt Nam và sự xuất hiện của Phật Giáo Hòa Hảo khác hẳn sự xuất hiện của một số tôn giáo khác, cho nên Phật Giáo Hòa Hảo không chỉ hoạt động trong địa hạt thuần tín ngưỡng mà còn tích cực tham gia cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Xã hội Việt Nam lúc bấy giờ là một xã hội phân hóa bất công. Cuộc sống đầy tăm tối của nông dân tá điền một cổ hai tròng, cuộc sống người dân luôn cơ cực và luôn bị áp bức giữa hai thế lực phong kiến và cường hào ác bá, cuộc sống nghèo đói cơm áo gạo tiền đã khiến cho tầng lớp nông dân bị tắc nghẽn và coi như không còn một sinh lộ nào khác ngoài "đức tin" và Phật Giáo Hòa Hảo đã đến đúng lúc. Thật vậy người dân đồng bằng sông Cửu Long đã hưởng ứng và tin theo Phật Giáo Hòa Hảo vì nhận thấy rằng Phật Giáo Hòa Hảo đúng là một sinh lộ đưa họ thoát khỏi cuộc sống hiện tại bị quá nhiều bạc đãi thiệt thòi. Chỉ trong một thời gian ngắn Đức Huỳnh Giáo Chủ đã thu nhận trên 2 triệu tín đồ thời bấy giờ, đặc biệt tại Thánh Địa Hòa Hảo hằng ngày đã có hằng nghìn lượt người đến chiêm ngưỡng và quy y.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, Tổ Đình Phật Giáo Hòa Hảo (nơi Đức Huỳnh Giáo Chủ làm lễ khai Đạo) vẫn uy nghiêm, tuy không trùng tu nhưng những nét đặc thù đã làm mọi người bùi ngùi. Hàng chữ nho đậm nét ở ngoài cổng "Quí Tiện Đồng Nghinh" vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt như thách thức với bao vũ lực. Quá bước vào nội thất, khách nhận ra ở đây có sự thờ phượng trinh nguyên, ba gian nhà rộng bày đủ ba bàn thờ gia tiên. Trên kệ cao nơi gian chính thờ ngôi Tam bảo với bức Trần Dà tượng trưng cho tinh thần vô thượng của nhà Phật Giáo Hòa Hảo. Dưới trang Tam bảo là bàn thờ Cửu Huyền Thất Tổ. Đứng ở gian giữa nhìn thẳng ra sân thấy có bàn Thông thiên đặt giữa trời. Hai bên bàn Cửu Huyền Thất Tổ còn có đôi liễn đối kẻ chữ Hán nét vàng óng ánh trên nền gỗ mun đen nhánh:
             Đình Thực Hương Lan Ngọc Điệp Kim Chi Giai Tịnh Mậu
            Đường Bồi Đan Quế Xuân Hoa Quả Tống Đồng Vinh
(Sân rậm Hương Lan, lá ngọc nhành vàng tán tiết sum xuê chào trước sảnh, Nhà cao Đan Quế, hoa thơm trái ngọt mùa dào dạt ngát hương gia)
        Cũng tại nơi đây, mộ phần song thân của Đức Huỳnh Giáo Chủ cũng an táng rất đơn sơ. Thánh Địa Hòa Hảo không có những nhà nguy nga đồ sộ, cũng không có những thắng cảnh hữu tình nhưng ở đây có đầy đủ đức tin, ở đây là chiếc nôi thiêng liêng của một tôn giáo bất khuất. Hàng năn cứ vào ngày khai Đạo 18/05 Âm lịch, hằng triệu tín đồ khắp nơi tụ hội về đây lễ bái, để nguyện cầu Đức Thầy sớm trở lại cứu vớt chúng sanh và tinh thần tôn giáo vẫn bất diệt.
        Với cơ cấu tổ chức mới, chính quyền Cộng sản Việt Nam đã xóa tên xã Hòa Hảo trên bản đồ hành chánh quận Tân Châu (huyện Tân Châu) với ý đồ triệt tiêu hình ảnh bất khuất của khối tín đồ trung kiên Phật Giáo Hòa Hảo. Huyện Phú Tân đã được thay thế và thêm vào đó các xã mới được đặt tên hầu hủy diệt dần những dấu tích ngày khai Đạo tại Hòa Hảo cũng như các xã lân cận: Hưng Nhơn, Phú An. Chúng đặt ra một loạt các xã mới như: Phú Mỹ, Phú Hưng, Phú Thọ, Phú Xuân, Phú Bình, Phú Hiệp. Dù có sử dụng trăm mưu ngàn kế đi nữa, cho đến bây giờ không một người dân nào ở Tân Châu quê lụa lại quên hình ảnh của các chiến sĩ Bảo An với vũ khí thô sơ, các tiểu đoàn địa phương quân của Tiểu khu Châu Đốc, các đại đội biệt lập, các trung đội nghĩa quân đã qui tụ về đây trên 15 ngàn chiến sĩ vào ngày cuối cùng của vận nước.
Tân Châu luôn bất diệt với thời gian và Thánh Địa Hòa Hảo muôn đời vẫn là chiếc nôi của một tôn giáo bất khuất.

Trường Thi
(Trích Giang Sơn Biên Trấn)
Tài liệu tham khảo:
- Những tư liệu liên quan đến PGHH
- Lược sử An Giang của Sơn Nam
- Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu giang
- Châu Đốc Địa Dư